Giá xăng tăng buộc doanh nghiệp kem đứng trước bài toán làm cách nào để tiết kiệm chi phí sản xuất, phân phối sản phẩm và giữ chân khách hàng.
Kem là món khoái khẩu của nhiều người, nhất là trong mùa hè oi bức. Tuy nhiên, việc xăng dầu tăng giá, chi phí mặt bằng, sản xuất kem tăng, cộng với sức khỏe các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 còn yếu khiến nhiều công ty gặp khó.
Xăng dầu tăng – bài toán khó của doanh nghiệp
Giá xăng chạm ngưỡng hơn 30.000 đồng/lít kéo theo giá của nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo. Điều này tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, Công ty Cổ phần Tràng Tiền Tràng Tiền 35 đang bối rối khi kinh phí để sản xuất một que kem đã tăng 15-25%.
Để tạo nên một que kem cần nhiều nguyên liệu như sữa tươi, sữa bột nguyên kem, các loại chất béo,… Nếu muốn sản xuất một que kem trái cây, kết hợp các loại hạt như đậu xanh, đậu đỏ, cốm, hay hoa quả thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên 2-3 lần so với thời điểm trước đây.
Ngoài ra, khi sản xuất xong, một que kem sẽ tiêu tốn thêm các chi phí để phân phối ra thị trường. Mà ở đó, các phương tiện vận chuyển sẽ là “mạch máu” đưa sản phẩm đi khắp nơi và đến tay người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp ngành kem, sản phẩm cần được vận chuyển trên các xe đông lạnh để giữ hương vị, chất lượng. Do đó, xăng dầu tăng kéo theo sự biến động của chi phí vận chuyển, khiến các doanh nghiệp này đau đầu tìm lời giải.
Đại diện thương hiệu Kem 35 chia sẻ: “Thời gian gần đây, giá xăng tăng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông sản phẩm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang trên đà phục hồi lại phải đối mặt với giá xăng dầu tăng phi mã sẽ là gánh nặng. Vì giá mọi chi phí đều tính vào giá thành sản phẩm, việc này có thể làm chậm tốc độ phát triển và tăng trưởng”.
Giải pháp thích ứng với khó khăn
Giá xăng dầu cao kỷ lục và các chi phí khác đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: Tăng giá thì dễ mất khách, nhưng không tăng lại thua lỗ. Điều này có nguy cơ cản đường phục hồi của doanh nghiệp khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng.
Đại diện Kem 35 cho biết đang đứng trước bài toán khó: “Nếu tăng giá bán theo mức tăng của chi phí đầu vào, việc tiêu thụ hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp không dễ đàm phán với đối tác về mức giá mới. Nhưng nếu không tăng giá, doanh nghiệp sẽ bị lỗ”.
Doanh nghiệp cũng cho biết thêm, thời gian qua, các nguyên vật liệu sản xuất đến các loại bao bì, vỏ sản phẩm,… sử dụng cho Kem 35 đã đội giá, tăng trên 20-25%. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng mức tăng chưa đến 10% nhằm giữ chân khách hàng, nhà phân phối.
Mặt khác, hiện tại Kem 35 có gần 20 gồm xe tải, xe con và xe máy, dùng để đưa sản phẩm đến nhà phân phối và người tiêu dùng. Xăng dầu tăng giá cao ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính.
Đứng trước hoàn cảnh đó, Kem 35 phải tính toán cắt giảm những khâu ít quan trọng, tiết kiệm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động, đồng thời hạ lợi nhuận để hạn chế nâng giá bán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, giảm thiểu các chi phí không cần thiết.
Chất lượng sản phẩm luôn được doanh nghiệp đảm bảo, bao bì sản phẩm vẫn giữ được thiết kế sang trọng và bắt mắt. Từ đó, doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, giúp thương hiệu phát triển bền vững, hạn chế vấn nạn hàng nhái.
Theo đại diện Kem 35, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang gánh trên vai nhiều khó khăn khi phải vật lộn với cơn bão giá, kỳ vọng giá xăng dầu giảm nhiệt. Từ đó, mặt bằng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được giữ ở mức phù hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi sau dịch.